day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 30/07/2024, 04:00 (GMT+7)
Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Phù Ninh đã có nhiều cách làm mới, phát triển tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Toàn huyện hiện có 41 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 5 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX hoạt động trong các lĩnh vực môi trường, vận tải và dược liệu... với hơn 5.000 thành viên. Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đối với Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, huyện đã triển khai kế hoạch phát triển HTX gắn với xây dựng NTM, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm; rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX...
Trên cơ sở đó, các HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương.
Nhiều sản phẩm của HTX đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như: Bưởi diễn Phú Lộc, tương nếp Trị Quận, thịt thính Tử Đà, cá thính Phong Châu, rượu Đại Ngọc Tửu xã Tiên Du... nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện đến nay 23 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm, trong đó chủ thể sản xuất là HTX chiếm trên 80%.
Ngoài ra, huyện cũng có 3 HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc như: HTX nông nghiệp Tiên Phú, HTX nông nghiệp Gia Thanh và HTX nông nghiệp Tử Đà gắn với nhãn hiệu Cá thính Tử Đà... Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đã khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và quan trọng hơn là giá trị sản phẩm được nâng lên.
Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, HTX còn phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được hình thành tại các xã Gia Thanh, Trung Giáp, Phú Nham, Tiên Du, Tiên Phú, Liên Hoa, Phú Mỹ...
Một trong những sản phẩm đặc trưng ở Phù Ninh là hồng không hạt Gia Thanh. Việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, cùng với “điểm tựa” là HTX đã giúp cây hồng trở thành cây “làm giàu” cho người dân nơi đây.
Ông Hán Công Khanh - Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Gia Thanh cho biết: Hiện nay, HTX có 170 hộ trồng hồng với diện tích trên 170ha, trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm hơn 60%. HTX đã triển khai phát triển cây hồng theo hướng VietGAP. Các hộ được phân thành các nhóm, hướng dẫn thực hành tốt việc ghi nhật ký trong các khâu như chăm sóc, thu hoạch và cấp tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm khi bán. Qua đó, chất lượng, năng suất quả hồng của HTX được nâng lên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình mỗi hộ trồng hồng có thu nhập đạt từ 40-60 triệu đồng/năm.
Nói về vai trò của các HTX trong xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Phúc Suyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Các HTX trên địa bàn huyện đã khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế của địa phương, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chủ lực đặc trưng, từ đó giúp nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng huyện NTM, xã NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, huyện Phù Ninh cơ bản hoàn thành 7/9 tiêu chí huyện NTM; có 3 xã gồm: Trung Giáp, Phú Lộc, Tiên Phú đã tiệm cận với xã NTM nâng cao; có 6 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu.